1000&530;100&100
Những quy định mới về bảo vệ môi trường áp dụng từ năm 2017
03/08/2017 21:08
Trong năm 2017, nhiều chính sách, quy định mới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT) được ban hành, thay thế cho một số quy định cũ để phù hợp với Luật bảo vệ môi trường 2014, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Thực hiện chủ trương đổi mới và chính sách mở cửa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển của ngành công nghiệp, sản xuất, nhiều vấn đề lớn về môi trường cũng phát sinh và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Đó là thách thức mục tiêu phát triển bền vững đất nước ta trong thời gian tới.

Trong năm 2017, nhiều chính sách, quy định mới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT) được ban hành, thay thế cho một số quy định cũ để phù hợp với Luật bảo vệ môi trường 2014, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. 

Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Nghị định 155/2016/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 18/11/2016, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chính thức có hiệu lực bắt đầu từ ngày 01/02/2017 và thay thế cho Nghị định 179/2013/NĐ-CP. Nghị định 155 xây dựng trên cơ sở rà soát thực tế 4 nhóm hành vi vi phạm gồm:  gây ô nhiễm môi trường; về quản lý chất thải; công trình BVMT; thủ tục hành chính. Các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT sẽ bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính: cảnh cáo, phạt tiền và các hình thức xử phạt bổ sung; mức phạt tiền tối đa là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức.
Nghị định này cũng quy định cụ thể một số hình thức xử phạt và mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BVMT. 

Quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải

Ngày 16/11/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 154/2016/NĐ-CP quy định về phí BVMT đối với nước thải; có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 và thay thế Nghị định số 25/2013/NĐ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ. Nghị định quy định rõ đối tượng chịu phí, các trường hợp miễn phí, người nộp phí, mức thu, kê khai, nộp, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Mức phí  bảo vệ môi trường đối với từng đối tượng được quy định như sau:

+ Nước thải sinh hoạt = Số lượng nước sạch sử dụng (m3) x Giá bán nước sạch (đồng/m3) x Mức thu phí (10%/m3 nước sạch). 
+ Nước thải công nghiệp = Phí cố định (1.500.000 đồng/năm) + Phí biến đổi

Nghị định 154 quy định cụ thể 8 trường hợp miễn phí bảo vệ môi trường đối với nước thải gồm:1- Nước xả ra từ các nhà máy thủy điện, nước tuần hoàn trong các cơ sở sản xuất, chế biến mà không thải ra môi trường dưới bất kỳ hình thức nào (chất rắn, chất lỏng, chất khí); 2- Nước biển dùng vào sản xuất muối xả ra; 3- Nước thải sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ở địa bàn đang được Nhà nước thực hiện chế độ bù giá để có giá nước phù hợp với đời sống kinh tế - xã hội; 4- Nước thải sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ở các xã thuộc vùng nông thôn và những nơi chưa có hệ thống cấp nước sạch; 5- Nước làm mát thiết bị, máy móc không trực tiếp tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm, có đường thoát riêng; 6- Nước mưa tự nhiên chảy tràn (trừ diện tích thuộc khu vực nhà máy hóa chất); 7- Nước thải từ các phương tiện đánh bắt thủy, hải sản của ngư dân; 8- Nước thải sinh hoạt tập trung do đơn vị quản lý, vận hành hệ thống thoát nước tiếp nhận và đã xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định xả thải ra môi trường.

Theo quy định, Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện thực hiện việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn. Đơn vị cung cấp nước sạch thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân sử dụng nước sạch. UBND xã, phường, thị trấn thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tự khai thác nước để sử dụng.

Bảo vệ môi trường cụm công nghiệp

Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 31/2016/TT- BTNMT ngày 14/10/2016 về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2016. Thông tư 31 quy định nội dung yêu cầu bảo vệ môi trường trong lập quy hoạch xây dựng CCN; yêu cầu về đầu tư xây dựng, quản lý vận hành hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường CCN. Cụ thể, quy hoạch xây dựng hạ tầng CCN phải có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường bảo đảm yêu cầu theo quy định. Diện tích cây xanh trong phạm vi CCN tối thiểu chiếm 10% tổng diện tích của toàn bộ CCN. Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường CCN, bao gồm: hệ thống thoát nước mưa; hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung; khu vực lưu giữ, xử lý chất thải rắn (nếu có). Hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung cụm công nghiệp có lưu lượng nước thải từ 1.000 m3/ngày.đêm trở lên phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục.

Thông tư 31 nêu rõ các quy định về việc quan trắc phát thải của các đối tượng, nêu rõ trách nhiệm của cơ sở trong CCN; trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN.

Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và của mọi công dân. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các hộ kinh doanh cá thể khi tham gia các sản xuất, kinh doanh phải thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm sức khỏe, chất lượng cuộc sống của nhân dân, góp phần quan trọng ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.■

Phòng Quản lý  Cụm công nghiệp
Doanh nghiệp tiêu biểu
Đăng ký nhận tin

Mã bảo vệ:     +     =  
Nhập địa chỉ email Email không hợp lệ Email này đã tồn tại Nhập mã bảo vệ Mã bảo vệ không đúng Đang gửi... Gửi thành công! Gửi thất bại!
Tỷ giá vàng
LoạiMuaBán
( Nguồn )
Tỷ giá ngoại tệ
Loại Giá
( Nguồn )
 
>