1000&530;100&100
Nhiều ưu đãi dành cho nhà đầu tư vào Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
Nhiều ưu đãi dành cho nhà đầu tư vào Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
30/10/2017 21:26
Từ ngày 15/7/2017, các nhà đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ. Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định 68/2017/NĐ-CP quy định về chính sách, ưu đãi, hỗ trợ đối với cụm công nghiệp được Chính phủ ban hành ngày 25/5/2017.
Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong cụm công nghiệp

Theo Nghị định, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh vào các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ được miễn tiền thuê đất 7 năm và hưởng các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật. Trường hợp nhiều mức ưu đãi thì áp dụng mức ưu đãi cao nhất. Đối với các nhà đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật CCN thì sẽ được ưu đãi cao hơn. Cụ thể, nghị định quy định dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN được miễn tiền thuê đất 11 năm, được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư và hưởng các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật. Trường hợp nhiều mức ưu đãi thì áp dụng mức ưu đãi cao nhất. Bên cạnh đó, dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN được xem xét đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Nghị định cũng quy định việc hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN từ ngân sách Trung ương được thực hiện  theo Chương trình mục tiêu đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN được phê duyệt trong từng giai đoạn. UBND cấp tỉnh cân đối nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài CCN trên địa bàn.

Ưu đãi, hỗ trợ đối với cụm công nghiệp làng nghề

Đây là nội dung mới, nổi bật tại Nghị định 68/2017/NĐ-CP. Theo đó, Chính phủ dành riêng một chương trong Nghị định 68 để quy định cụ thể chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển đối với CCN, đặc biệt là CCN làng nghề.Cụ thể:

Với các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp làng nghề, thì được miễn tiền thuê đất 11 năm và được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư. Đặc biệt, nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN làng nghề được miễn tiền thuê đất đến 15 năm và được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư.

Nghị định còn nêu rõ, ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ kinh phí di dời các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân trong làng nghề vào CCN làng nghề; mức hỗ trợ cụ thể do UBND tỉnh quyết định. Ngân sách trung ương và ngân sách địa phương xem xét ưu tiên hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật CCN làng nghề.

Ngoài các chính sách trên, dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật và sản xuất kinh doanh trong CCN làng nghề còn được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ đối với CCN và của pháp luật liên quan. Trường hợp nhiều mức ưu đãi, hỗ trợ thì áp dụng mức ưu đãi, hỗ trợ cao nhất.

Điều kiện ưu đãi, hỗ trợ đối với CCN làng nghề: Nằm trong Quy hoạch, được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật về quản lý cụm công nghiệp; Số lượng các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác xã, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân trong làng nghề chiếm trên 60% so với số lượng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã di dời hoặc đăng ký di dời vào cụm công nghiệp làng nghề; Tính đến thời điểm xem xét hưởng ưu đãi, hỗ trợ, tỷ lệ đăng ký lấp đầy trên 80%, trong đó trên 60% của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân trong làng nghề theo xác nhận của UBND cấp huyện.

Chính sách hỗ trợ cho hoạt động phát triển cụm công nghiệp

Ngoài các chính sách ưu đãi đối với hoạt động đầu tư, Nghị định số 68/2017/NĐ-CP cũng quy định các chính sách hỗ trợ cho hoạt động phát triển CCN, như: Ngân sách Trung ương đảm bảo kinh phí cho các hoạt động: gồm: Điều tra, xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu; tổ chức hội nghị, hội thảo, phối hợp xúc tiến đầu tư; thông tin tuyên truyền, in, xuất bản tài liệu; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, pháp luật, chính sách về CCN; khảo sát, đánh giá, xây dựng chính sách, mô hình quản lý, kinh nghiệm phát triển CCN ở trong và ngoài nước. Ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí hoạt động phát triển CCN tại địa bàn gồm: Tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư; điều tra, khảo sát các tổ chức, cá nhân có nhu cầu di dời, đầu tư vào CCN; lập, thẩm định thành lập, mở rộng CCN; lập quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp; hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến CCN; hỗ trợ kinh phí lập dự án đầu tư cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường hoặc nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong làng nghề, khu dân cư di dời vào trong CCN.

Với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư nêu trên, sẽ góp phần vào việc xây dựng và phát triển các CCN, đáp ứng nhu cầu di dời và mở rộng mặt bằng sản xuất xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư sản xuất ổn định.■

Phòng Quản lý Cụm công nghiệp

Doanh nghiệp tiêu biểu
Đăng ký nhận tin

Mã bảo vệ:     +     =  
Nhập địa chỉ email Email không hợp lệ Email này đã tồn tại Nhập mã bảo vệ Mã bảo vệ không đúng Đang gửi... Gửi thành công! Gửi thất bại!
Tỷ giá vàng
LoạiMuaBán
( Nguồn )
Tỷ giá ngoại tệ
Loại Giá
( Nguồn )