Khánh Sơn là huyện miền núi xa nhất của tỉnh
Khánh Hòa; người dân ở đây vẫn luôn nhận thức và hưởng ứng sử dụng hàng hóa Việt
Nam. Nhưng nhiều người cho rằng, lượng hàng hóa sản xuất trong nước có mặt trên
địa bàn vẫn còn khá ít, chưa phong phú như ở đồng bằng. Trong khi đó, việc tiếp
cận với các phiên chợ hàng Việt hiện vẫn ít, chỉ có một vài công ty tự tổ chức
bán hàng lưu động.
Không chỉ ở Khánh Sơn mà hầu hết tại các vùng sâu,
vùng xa trong tỉnh người dân vẫn chưa tiếp cận nhiều các phiên chợ. Giải thích
cho việc này, ông Phạm Trọng Thái – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công & Xúc
tiến thương mại Sở Công Thương Khánh Hòa cho rằng, nguyên nhân là do kinh phí tổ
chức còn ít, trong khi sức mua tại các khu vực vày còn hạn chế, dân cư sống
không tập trung, điều kiện giao thông, di chuyển ở khoảng cách xa nên rất khó tổ
chức. còn các Doanh nghiệp cho rằng họ cũng không đủ khả năng tự tổ chức, mặc dù
nhận thức được đây là thị trường cần phải quan tâm.
Theo Ông Đỗ Hữu Việt – Chủ tịch
HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản 584, Nha Trang: "Khó khăn về tài chính đơn vị đang
loay hoay chưa đủ nguồn tiền để đầu tư. Đây là 1 kênh còn bỏ ngõ mà nếu như
không tiếp thị, đầu tư sẽ bị các đơn vị khác nhảy vào."
Mặc dù thị
trường miền núi không sôi động, nhưng về lâu dài, đây sẽ là mảnh đất đầy tiềm
năng đối với các doanh nghiêp trong tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất
hàng thực phẩm, tiêu dùng. Chính vì vậy, việc đưa các phiên chợ đến khu vực này
cũng hết sức quan trọng, thúc đẩy hoạt động mua bán, đồng thời để các doanh
nghiệp mở rộng thị trường, đưa sản phẩm đến gần người tiêu dùng. Tuy nhiên, tổ
chức các phiên chợ ở đây cũng cần có những định hướng thật phù hợp.
Trao đổi về vấn đề này Ông Phạm
Trọng Thái – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại, Sở
Công Thương Khánh Hòa cho biết: "Trong đề án 2013, trung tâm sẽ tổ chức 2 phiên
chợ ở Khánh Sơn và Khánh vĩnh. Mặc dù sức mua yếu nhưng vẫn phải đưa hàng lên
bán, không khéo thị trường này sẽ toàn hàng nhái. Chúng tôi sẽ tổ chức 1 số
lượng doanh nghiệp vừa đủ, những hàng hóa phù hợp với đồng bào."
Thời
gian tới Trung tâm sẽ chia thành nhiều khu vực khác nhau để tổ chức để giảm chi
phí mà vẫn đáp ứng được nhu cầu người dân. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng
sẽ đưa hàng hóa thông qua các buổi chợ phiên và các đại lý phân phối hàng hóa
tại các khu vực này, nhằm tạo thuận lợi cao nhất để người dân mua sắm, đồng thời
góp phần hiệu quả vào " chương trình đưa hàng việt về nông thôn"./.