Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng cây đay nguyên liệu bán cho Nhà máy, nhất là đáp ứng yêu cầu thu hoạch kịp thời vụ trong mùa nước nổi, giải quyết tình trạng thiếu lao động trong thời gian thu hoạch rộ đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân trồng đay thì việc cơ giới hóa trong thu hoạch đay là một yêu cầu tất yếu.
Từ những thực tế đó, qua tìm hiểu về máy thu hoạch đay, Ông Chín Nghĩa - Chủ Cơ sở sản xuất cơ khí nông nghiệp Chín Nghĩa, số 471/1 tổ 4 ấp 1, xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An đã cùng các con nghiên cứu, chế tạo chiếc máy thu hoạch đay, theo nhu cầu của nông dân trồng đay tại các huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa và Thủ Thừa. Máy thu hoạch đay này có công suất hoạt động từ 0,6 - 1ha/giờ; tương đương với gần 48 đến 56 công lao động/ha.
Với việc sử dụng máy thu hoạch đay này, đã giúp cho những người trồng đay khi thu hoạch giảm việc sử dụng lao động chân tay, giảm công lao động, đảm bảo chất lượng đay nguyên liệu. Đồng thời, việc sử dụng máy thu hoạch đay đã giải quyết vấn đề khan hiếm lao động như hiện nay, bảo đảm thu hoạch đúng mùa vụ và chất lượng nguyên liệu đay cho khâu chế biến, giảm giá thành sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng đay. Nếu so sánh với việc không sử dụng cơ giới hóa thì riêng chi phí cho việc thu hoạch đay từ khâu đốn chặt, vận chuyển đến nhà máy thu mua nguyên liệu đã chiếm trên 50% tổng giá thành, như vậy lợi nhuận còn lại người nông dân thu được là rất thấp, nên không kích thích được họ tích cực tham gia sản xuất đay.
Tại hội nghị trình diễn mô hình kỹ thuật sản xuất máy thu hoạch đay, Ông Đặng Văn Lớp - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, đã chúc mừng những kết quả sản xuất mà Cơ sở sản xuất cơ khí Chín Nghĩa đạt được và nhấn mạnh cần tiếp tục phát huy, cải tiến chất lượng máy để đạt hiệu quả cao hơn nữa, Cơ sở cũng cần tiếp tục cải tiến và đầu tư thêm máy xạ đay nhằm đồng bộ hơn quá trình trồng cây đay. Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh Long An tạo điều kiện hỗ trợ nhiều hơn cho các cơ sở sản xuất cơ khí nhằm cơ giới hóa sản xuất ở nông thôn, đây cũng nhằm thực hiện chính sách của nhà nước, góp phần hỗ trợ cho nông dân trồng đay ổn định sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất đay so với các loại cây trồng khác.