Lạc vào giữa khu trưng bày sản phẩm của Trung tâm dịch vụ du lịch khách sạn Hòn Ngọc Phương Nam, người xem dễ dàng nhận thấy những tác phẩm sơn mài khảm trứng nổi bật được sắp đặt một cách khéo léo trên các khay, kệ, tủ …với những bức tranh, những sản phẩm khay, hộp, lọ, đĩa bình … bằng sơn mài được tô điểm và phối cảnh với những mảng khảm trứng tạo nên các tác phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc, hấp dẫn khách hàng trong và ngoài nước. Để có được một sản phẩm sơn mài khảm vỏ trứng, ngoài sự tỉ mỉ và kỹ càng trong quá trình làm sản phẩm còn đòi hỏi có sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố mỹ thuật và sự khéo léo của bàn tay người thợ. Bắt đầu từ khâu nguyên liệu, đó là vỏ trứng gà hoặc trứng vịt sau khi nở đã bóc vỏ được thu gom, ngâm nước và làm sạch rồi cho đảo trên chảo. Cần màu nâu cháy nhẹ thì đảo nhỏ lửa và cho ra trước, nếu để lâu hơn thì được màu nâu cháy gắt. Vậy là có thể có được các màu trắng, vàng, hồng tươi của trứng gà; xanh của trứng vịt; màu nâu cháy vừa, nâu cháy gắt hay hơi đen của trứng nướng ... sẵn sàng cho người thợ thể hiện khả năng sắp đặt, phối màu tạo nên những sản phẩm khảm trứng đặc sắc.
Khi gặp chị Trần Kim Nga – Giám đốc Trung Tâm dịch vụ du lịch khách sạn Hòn Ngọc Phương Nam, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng khi được biết những sản phẩm sơn mài khảm trứng kia lại do những người khuyết tật làm ra. Theo chân chị Nga sang khu sản xuất, chúng tôi bắt gặp gần 10 em hầu hết là người khuyết tật đang chăm chú đưa từng mảnh nhỏ vỏ trứng, vỏ ốc sau khi đã được nhúng vào sơn keo dán đều lên bề mặt của các sản phẩm sơn mài. Quá trình gắn vỏ trứng lên sản phẩm sơn mài phải thật cẩn thận, dùng que dính từng mảnh vỏ trứng nhỏ, nhúng vào keo rồi dán đều khít lên các bề mặt theo yêu cầu tạo hình, phối màu. Cuối cùng dùng búa gõ nhẹ để tạo độ rạn của vỏ trứng trên sản phẩm ... Những sản phẩm sơn mài khảm trứng tuy mất nhiều công sức nhưng dù là loại sản phẩm khảm trứng 100% bề mặt hay điểm xuyết những hàng, vệt hoặc là cả một bức tranh mỹ thuật thì đều có những nét đặc sắc riêng, rất hấp dẫn và lôi cuốn.
Qua trao đổi với chị Trần Kim Nga, chúng tôi được biết: Trung tâm dịch vụ du lịch khách sạn Hòn Ngọc Phương Nam tại Đà Lạt mới được thành lập từ tháng 7 năm 2010 trực thuộc Công ty TNHH một thành viên 27-7 ở thành phố Hồ Chí Minh, với ý tưởng ban đầu của Trung tâm là tổ chức cho người khuyết tật sản xuất các mặt hàng sơn mài khảm trứng. Thời gian đầu Công ty 27-7 giúp đỡ Trung tâm qua việc cung cấp cốt phôi của sản phẩm sơn mài và cử người hướng dẫn kỹ thuật khảm trứng. Hiện nay, Trung tâm đã thâu nhận được 9 em vào làm việc, chỉ trong một thời gian ngắn với sự hướng dẫn của các kỹ thuật viên do Công ty TNHH 27-7 cử lên, hầu hết các em đã tiếp cận nắm bắt được nghề và bắt đầu cho ra các sản phẩm sơn mài khảm vỏ trứng đầu tiên của mình. Ngoài việc nhận được mức lương khoảng 1,5 triệu đồng/người/tháng, các em còn được Trung tâm hỗ trợ tiền ăn trưa. Dự kiến trong thời gian sắp tới, Trung tâm sẽ tiếp tục nhận thêm người lao động vào làm việc, trong đó ưu tiên cho người khuyết tật. Để Trung tâm đứng vững và tiếp tục phát triển trong tương lai, thì trăn trở lớn nhất hiện nay của chị Trần Kim Nga là làm sao có thể quảng bá và giới thiệu được các sản phẩm sơn mài khảm trứng của Trung tâm đến với người tiêu dùng đặc biệt là khách du lịch trong và ngoài nước, vì phòng trưng bày hiện tại chủ yếu mới chỉ giới thiệu được cho số du khách đến ở Khách sạn của trung tâm.
Đây là một mô hình hay, vì không những tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động là người khuyết tật, mà còn phát triển thêm được ngành nghề mới tại địa phương, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch trên địa bàn Đà Lạt – Lâm Đồng. Do đó, cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành không chỉ hỗ trợ việc quảng bá giới thiệu sản phẩm cho doanh nghiệp, mà cần quan tâm đến việc hỗ trợ đào tạo nghề và mở rộng phát triển sản xuất đối với loại sản phẩm độc đáo, đặc sắc này.